Doanh nhân hiểu luật thế nào?
Đăng ngày: 21/02/2013 08:19
(DĐDN) Ngày đầu tiên học môn pháp luật đại cương, một sinh viên kinh tế của một trường đại học tại VN rụt rè đứng lên hỏi: “Thầy ơi, tại sao bọn em phải học luật?”. Một câu hỏi rất học trò. Nhưng ngẫm kĩ lại, sinh viên này hỏi cũng có lí. Vì học kinh tế thì học luật làm gì ?

Trong quá trình kinh doanh, doanh nhân có nhiều mối quan hệ. Quan hệ với đối tác, quan hệ với khách hàng và quan hệ với Nhà nước. Tuy vậy có sự khác nhau trong hai nhóm quan hệ này. Đối tác, khách hàng là những người làm ăn với doanh nhân. Do vậy, vị thế của doanh nhân là bình đẳng. Cũng từ đó, cách hành xử của doanh nhân sẽ là cách hành xử của những người ngang hàng với nhau. Nhưng trong mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà nước, vấn đề đã trở nên khác. Cái khác biệt này xuất phát từ chức năng quản lí của nhà nước. Doanh nhân làm ăn, phải trong khuôn khổ pháp luật nên chịu sự quản lí của nhà nước là hẳn nhiên. Vị thế các bên cũng trở nên khác, không còn là vị thế bình đẳng như trong quan hệ giữa doanh nhân và đối tác/khách hàng.
Dường như mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà nước là mối quan hệ bất bình đẳng. Trong tương quan bất bình đẳng, doanh nhân càng trở nên chông chênh. Dường như cũng đôi lần doanh nhân nhận ra vấn đề ấy nhưng không biết phải xử lí từ đâu. Cũng như mọi mối quan hệ khác trên đời, mối quan hệ giữa doanh nhân và nhà nước cũng có đôi lần va chạm. Chuyện không hài lòng về nhau là chuyện rất bình thường. Công chức thực thi quyền hành mà pháp luật trao cho. Nhưng công chức cũng có khi hành xử sai. Vì suy cho cùng, công chức cũng là con người, cũng vẫn có thể sai lầm như bao nhiêu người khác. Cuộc sống vốn dĩ thế! Nhưng với cái vị thế chông chênh, cách hành xử của doanh nhân khi không hài lòng về các quyết định của nhà nước thì lại khá tiêu cực. Doanh nhân thường hay than thở với nhau, kêu oan... với báo chí. Thậm chí làm đơn xin được ở tù!
Nhằm bảo đảm rằng quyền lợi đó được bảo đảm, nhà nước dành cho dân quyền được “phản bác” các quyết định của nhà nước. Ngôn ngữ luật gọi là khiếu nại/khiếu kiện. Trong một xã hội dân chủ vấn đề khiếu nại của người dân đối với nhà nước không còn là đặc quyền nhà nước dành cho dân mà nó đã trở thành sức ép đối với nhà nước trong mối quan hệ với công dân.
Muốn vậy, việc khiếu nại phải trên cơ sở của pháp luật. Nói cách khác, khiếu nại này phải được gửi chính thức đến nhà nước. Thực tiễn cho thấy, dường như ít khi doanh nhân thực hiện quyền này. Việc gửi đơn “kêu oan” đến các cơ quan truyền thông dường như vẫn là xu hướng phổ biến. Trong vô vàn lo toan của cuộc sống, các nhà quản lí có mấy khi quan tâm đến các bài “kêu oan” kiểu này. Vì doanh nhân có khiếu nại gì đối với các quyết định của nhà nước đâu mà xem xét lại. Nhà nước không sai.
Một đất nước thiếu luật không đáng sợ bằng một đất nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ mà không thực thi được. |
Nhưng để doanh nhân tin và sử dụng quyền khiếu nại/khiếu kiện này một cách hữu hiệu, cũng rất cần đến vai trò bảo đảm của nhà nước trong việc thực thi lĩnh vực pháp luật về khiếu nại/khiếu kiện này. Một giáo sư luật đáng kính đã từng nói: một đất nước thiếu luật không đáng sợ bằng một đất nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ mà không thực thi được. Vì suy cho cùng, mọi đạo luật tự thân chỉ là những con chữ vô nghĩa trên các trang giấy nếu nó không bước chân vào cuộc sống sôi động.
Nhân dịp xuân về, có vài lời tản mạn cùng doanh nhân đất Việt, hầu mong một năm mới các doanh nhân đạt được nhiều thành công, để cho vị thế của các doanh nhân bớt chông chênh như năm qua.
Phạm Hoài Huấn
| ||||||||||||||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Doanh nghiệp là một tác phẩm
- 6 cạm bẫy phá hoại công ty tên tuổi
- Chọn ngày tốt và hướng xuất hành đầu năm
- Dân: gốc nước, Dân: trí tuệ mọi thời
- Những biểu hiện mới của thói hư tật xấu trong văn hóa người Việt hiện nay
- Những quy luật marketing đưa đến thành công
- Lệ phí văn minh và cuộc giải cứu ông bụt
- Ông Đoàn Văn Vươn “đánh bạc với giời” (kỳ 2)
- Đoàn Văn Vươn từng "khổ hơn một người ăn mày" ( Kỳ 1)
- Những vấn đề để ngỏ trong Dự thảo Hiến pháp